CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NỔI TIẾNG NHẤT ĐỊNH PHẢI GHÉ THĂM KHI ĐẾN HUẾ

CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NỔI TIẾNG NHẤT ĐỊNH PHẢI GHÉ THĂM KHI ĐẾN HUẾ

CỐ ĐÔ HUẾ - XỨ SỞ MỘNG MƠ

Về thăm xứ Huế mộng mơ
Quê hương chiếc nón bài thơ để đời
Danh lam thắng cảnh mọi nơi
Đền đài lăng tẩm tuyệt vời Huế đây

Nếu như Hà Nội gây thương nhớ bằng nét đẹp cổ kính, Sài Gòn giữ chân du khách bằng ánh đèn phồn hoa tráng lệ thì Huế lại vương vấn lòng người bằng nét thơ mộng, dịu êm. Nằm giữa khúc ruột miền Trung của tổ quốc, Huế nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính pha lẫn nét đượm buồn. Dễ hiểu vì sao Huế được chọn làm kinh đô của triều Nguyễn. Khi nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những cung điện, đền chùa, lăng tẩm uy nghi chứa đựng nhiều câu chuyện  lịch sử. Sau đây, hãy cùng Vietnam Tourist khám phá nhiều điểm đến hấp dẫn tại Cố đô Huế nhé!

1. Đại Nội Kinh Thành Huế

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Quần thể di tích cố đô Huế được xem là một kiệt tác về kiến trúc và biểu tượng về tinh thần, với các giá trị văn hóa đặc sắc. Quần thể di tích này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993, thu hút du khách bởi vẻ đẹp tráng lệ, uy nghi cùng giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo. Đại Nội Huế, tọa lạc tại trung tâm thành phố Huế, là một quần thể di tích lịch sử đồ sộ, được xem như biểu tượng của Kinh thành Huế nói riêng và triều đại nhà Nguyễn nói chung.

Đại Nội Kinh Thành Huế là một công trình tráng lệ với quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử kinh thành của nước Việt Nam ta, được khởi công xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Công trình kiến trúc kinh thành lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa độc đáo dưới thời trị vì của triều đình nhà Nguyễn từ hàng trăm năm trước. Đại Nội được xây dựng trong một thời gian dài nhờ sự cống hiến và làm việc chăm chỉ của hàng chục ngàn người.

Kinh thành Huế được xây dựng ở phía Bắc sông Hương, quay mặt về phía Nam, là sự kết hợp giữa kiến ​​trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết học phương Đông với thuyết âm dương ngũ hành và những nét ảnh hưởng của kiến ​​trúc quân sự phương Tây.

Đại nội Huế bao gồm Hoàng thành và Tử Cấm Thành, Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế (nơi vua thiết triều và làm việc), Tử Cấm Thành (nơi sinh hoạt của vua và hoàng tộc). Mỗi tòa thành bao gồm nhiều công trình kiến ​​trúc với những vai trò khác nhau. Nhìn chung, Hoàng thành bao gồm hai công trình kiến ​​trúc: cổng Ngọ Môn và điện Thái Hòa.  Tử Cấm Thành được phân bổ tương đối nhiều khu vực hơn, gồm Đại Cung Môn, Tả Vu và Hữu Vu, Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu và cung Diên Thọ.

Trải qua bao thăng trầm và biến động của thời gian, Kinh thành Huế vẫn sừng sững oai nghiêm, là một trong những điểm đến thu hút du khách bậc nhất tại cố đô Huế. Nơi đây không chỉ là công trình kiến trúc đồ sộ, tráng lệ mà còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của lịch sử và văn hóa Việt Nam.

2. Chùa Thiên Mụ

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

Thành phố Huế – cố đô xinh đẹp và hiền hòa là nơi quy tụ nhiều di tích, chùa chiền nổi tiếng của Việt Nam. Trong đó, phải kể đến chùa Thiên Mụ - ngôi chùa tọa lạc giữa vùng quê hữu tình và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ ca nhạc họa. Vẻ đẹp của ngôi chùa được tạo nên bởi sự kết hợp giữa các giá trị lịch sử, tinh thần và văn hóa nghệ thuật. Chùa Thiên Mụ được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 1962 và là một trong "hai mươi thắng cảnh của Kinh Kỳ" được vua Thiệu Trị ca ngợi trong bài thơ "Thiên Mụ Chung Thánh". Bài thơ này được khắc trên tấm bia đá dựng gần cổng chùa, thể hiện sự trân trọng và đề cao của vua Thiệu Trị đối với giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của ngôi chùa.

Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) nằm trên một ngọn đồi xã Hà Khê mặt nhìn xuống dòng sông Hương, như thể đầu rồng ngoảnh lại, cách Cố đô Huế về phía Tây khoảng 5 km. Tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng, chùa Thiên Mụ hiện lên như một viên ngọc quý giữa lòng cố đô Huế. Vị trí của ngôi chùa cổ kính này không chỉ đẹp về mặt cảnh quan mà còn được đánh giá cao bởi các nhà phong thủy bởi sự hài hòa và đắc địa hiếm có. Xung quanh chùa được bao bọc bởi những tán cây cổ thụ rợp bóng mát, tạo nên bầu không khí thanh bình, tĩnh tại. Cây xanh trong phong thủy tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, mang lại sức sống cho con người và vạn vật. Xung quanh chùa được bao bọc bởi những tán cây cổ thụ rợp bóng mát, tạo nên bầu không khí thanh bình, tĩnh tại. Cây xanh trong phong thủy tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, mang lại sức sống cho con người và vạn vật. Dòng sông Hương hiền hòa chảy trước mặt chùa như dải lụa mềm mại, ôm ấp lấy chân đồi. Nước tượng trưng cho tài lộc, thịnh vượng trong phong thủy, mang lại nhiều may mắn, tốt lành.

Theo truyền thuyết, khi chúa Nguyễn Hoàng vào Huế để mở mang bờ cõi, ông đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của ngọn đồi Hà Khê nhô lên bên bờ sông Hương, tựa như con rồng đang ngoảnh đầu nhìn lại. Người dân địa phương cũng kể rằng, vào ban đêm thường có một bà già tóc bạc phơ mặc áo đỏ quần xanh xuất hiện và nói với mọi người rằng đây là nơi tụ linh khí, nếu muốn bền long mạch thì vua chúa nên lập chùa ở đây. Tin tưởng vào truyền thuyết và lời khuyên của người dân, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng một ngôi chùa mới trên ngọn đồi Hà Khê, hướng mặt ra sông Hương. Ngôi chùa được đặt tên là Thiên Mụ.

Với diện tích gần 4ha, được bao bọc bởi bức tường gạch kiên cố dài hơn 800m, chùa Thiên Mụ mang dáng vẻ uy nghiêm, tráng lệ, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Nổi bật với tháp Phước Duyên cao 21m, gồm 7 tầng, được xây dựng vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều thờ tượng Phật, bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện, nơi đặt bia đá ghi chép lịch sử của chùa.

Chùa Thiên Mụ hiện có hai quả chuông. Hai quả chuông đều được đúc bằng đồng theo kỹ thuật truyền thống hoàn hảo của Phường Đúc - Huế, đảm bảo độ bền và âm thanh vang xa. Chuông Đại Hồng Chung được đúc vào năm Canh Dần (1710)đặt trong một ngôi nhà bát giác phía bên phải tháp Phước Duyên. Chuông Thiên Mụ được đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815) đặt trên lầu chuông bên trái cổng Tam Quan. Vị trí của chùa giúp khuếch đại âm thanh của chuông, như một "chất dẫn truyền tự nhiên" khiến tiếng chuông vang xa hơn.

Chùa Thiên Mụ từ lâu đã đi vào tâm tư tình cảm với nỗi nhớ nhung trong lòng người xứ Huế. Tiếng chuông chùa đã hơn 300 năm qua vẫn đều đặn giữ nhịp thời gian. Mỗi ngày hai buổi từ bao đời đã gieo vào lòng người một nỗi niềm tha thiết, mến thương, cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại với ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương giang êm đềm duyên dáng.dáng.

3. Ca Huế Trên Sông Hương

Huế chưa bao giờ khiến người ta hết thương nhớ bởi dáng vẻ thâm trầm, cổ kính và vẻ đẹp đầy hoài niệm. Người ta thường nói rằng nếu đến Cố Đô mà chưa nghe ca Huế trên sông Hương thì hẳn rằng chuyến đi đã mất một phần phong vị Huế. Không có gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên những chiếc thuyền rồng trôi trên dòng Hương giang thơ mộng và thả lòng vào những câu hát nam ai, nam bình du dương trầm bổng, mênh mang đầy hoài niệm.

Ca Huế trên sông Hương là loại hình sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô. Ca Huế mang âm hưởng hài hòa giữa con người, âm nhạc và cảnh vật của dòng sông Hương thơ mộng. Vào thế kỉ 17 Vào thế kỷ 17, khi Huế còn là thủ phủ của Đàng Trong, hát ca Huế là được xem là thú vui tao nhã của hoàng gia. Ca Huế một nét đẹp văn hóa được người dân cố đô Huế bảo tồn và phát triển qua hàng trăm năm qua trước bao thăng trầm của lịch sử. Đây là tài sản văn hóa vô giá của vùng đất Kinh Kỳ.

Huế đẹp nhất là về đêm, và Ca Huế nghe hay nhất là khi vừa nghe vừa đong đưa theo sóng nước sông Hương trên thuyền Rồng. Khi thành phố bắt đầu lên đèn, cầu Trường Tiên lung linh sắc màu trong đêm, những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến và chầm chậm di chuyển dọc theo sông Hương, đêm ca Huế bắt đầu. Thuyền rồng lững lờ trôi trong sương mù, du khách háo hức ngắm thành phố Huế thơ mộng từ sông Hương và xem các nghệ sĩ chuẩn bị biểu diễn.

Ca Huế có hệ thống ca khúc vô cùng đa dạng và phong phú gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và nhạc cụ, chủ yếu được chia làm hai điệu chính, điệu khách (hay còn gọi là điệu Bắc) và điệu Nam. Điệu Bắc thì trang trọng vui tươi, âm sắc trong sáng rộn rã như cổ bản, long ngâm, hành vân, long điệp... Điệu Nam thì trữ tình sâu sắc xen lẫn cảm giác buồn bã, thổn thức như Nam ai, Nam bình, tương tư khúc. Ngoài hai điệu chính, ca Huế còn có nhiều hơi nhạc như thương, ai, xuân, thiền... để diễn tả những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau khi thể hiện.

Với giai điệu ngọt ngào của giọng hát xứ Huế, Ca Huế hòa vào không gian tĩnh lặng của màn đêm, dưới ánh đèn lung linh phản chiếu lên sắc nước, như đưa người xem ngược dòng thời gian, quay về với những cung đình, những nét đẹp của một thời quá khứ vàng son đã khép lại.

Đặc biệt nhất của Ca Huế trên sông Hương còn nằm ở việc thả đèn Hoa Đăng. Du khách sẽ được thả những chiếc đèn Hoa Đăng lấp lánh xuống dòng sông. Đó là nghi lễ cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với bản thân và gia đình. Đây là nét đẹp văn hóa rất đặc sắc rất riêng của xứ Huế.

Cố đô Huế là nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn nhiều nghi lễ truyền thống văn hóa Việt, con người Việt. Ca Huế có giá trị cao về nghệ thuật, thẩm mỹ và giáo dục, góp phần hình thành nên tính cách của con người xứ Huế. Ca Huế trên sông Hương đã trở thành một dấu ấn thương hiệu văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô. Đến với ca Huế trên sông Hương là đến với cái thi vị của cảnh sắc, cái thanh cái đẹp của nghệ thuật xưa, đến một lối thưởng thức nghệ thuật độc đáo có một không hai mà chỉ riêng Huế mới có.

4. Lăng Tự Đức

Triều đại nhà Nguyễn kéo dài 143 năm và trải qua 13 đời vua. Nhưng số lượng lăng mộ được xây dựng rất ít, chỉ có 7 lăng được xây dựng và bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Trong số đó có lăng Tự Đức, được coi là một trong những  lăng mộ hoàng đế đẹp và tiêu biểu nhất trong kiến trúc lăng mộ của triều Nguyễn nói riêng và kiến trúc lăng mộ truyền thống Việt Nam thời kì phong kiến nói chung.

Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) được biết đến là một trong những lăng tẩm đẹp nhất cố đô, đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Đây là di tích lịch sử đầu tiên được đưa vào bảo tàng 3D ở Huế và Việt Nam  trong phạm vi dự án Văn hóa & Nghệ thuật của Google.

 Vua Tự Đức (1829-1883) là vị vua thứ 4 của triều Nguyễn, trị vì 36 năm (1848-1883). Ông là một vị hoàng đế có học thức, hiểu biết sâu rộng và sâu sắc về Nho giáo. Trong số  di sản của vua Tự Đức, Khiêm Lăng có lẽ là hiện vật độc đáo và có giá trị nhất. Vua Tự Đức trị vì được 19 năm (1848), 16 năm sau, tức vào năm Năm Giáp Tý (1864), ông bắt đầu cho xây dựng Khiêm Lăng trên vùng đất được cho là “vạn niên cát địa” (tức vùng đất có địa thế tốt lành vạn năm) ở làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.

Tất cả các lăng tẩm triều Nguyễn đều có lịch sử riêng và trải qua quá trình xây dựng lâu dài và tốn rất nhiều tiền bạc. Nhưng lăng Tự Đức thì mang một tâm hồn thi sĩ, thơ mộng với kiến trúc nhã nhặn tao nhã hơn.

Về mặt kiến ​​trúc, Khiêm Lăng được chia thành 2 phần chính là lăng và tẩm (lăng là nơi chôn cất thi hài nhà vua, còn tẩm là nơi thờ tự). Ngoài khu chôn cất và thờ tự, Khiêm Lăng còn có gần 50 công trình lớn nhỏ khác nhau bao gồm vườn cảnh, hồ nước và các công trình cung cấp chỗ ở, làm việc, nghỉ ngơi và giải trí cho nhà vua và đoàn tùy tùng. Toàn cảnh lăng Tự Đức giống như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, được bao bọc bởi thiên nhiên, sự tĩnh lặng và sự hài hòa.

 Lăng  Tự Đức là đỉnh cao của kiến ​​trúc lăng mộ hoàng gia và cũng là đỉnh cao của kiến ​​trúc lăng mộ Việt Nam thời quân chủ, một khu vườn thượng uyển điển hình của triều Nguyễn. Cho đến nay, Lăng Vua Tự Đức không chỉ được vinh danh với nhiều danh hiệu cao quý mà còn là điểm thu hút khách du lịch ghé thăm nhiều nhất trong số các lăng tẩm triều Nguyễn ở Huế và là điểm thu hút khách du lịch đông thứ hai, chỉ sau Đại nội - nơi ở chính thức và nơi làm việc của các vua  Nguyễn.

4. Lăng Khải Định

Lăng Khải Định Huế - công trình kiến trúc cuối cùng của triều Nguyễn là một trong những lăng tẩm được xem là đẹp nhất, độc đáo nhất trong hệ thống lăng mộ Huế, gây ấn tượng với nhiều trường phái kiến trúc văn hóa khác nhau. Là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi du lịch Huế, nơi đây là một trong 7 hệ thống lăng mộ đẹp nhất ở Huế và là lăng mộ của vị vua thứ 12 của triều Nguyễn - Khải Định. Lăng được thiết kế khá công phu, tỉ mỉ với nhiều phong cách kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tinh tế, kết hợp hài hòa nét đẹp văn hóa phương Đông và phương Tây đặc sắc.

Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 và cũng là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, Khải Định được biết đến với những đam mê xây dựng và tu sửa các công trình kiến trúc đồ sộ. Trong số những công trình nổi tiếng nhất của ông, lăng tẩm Ứng Lăng (hay còn gọi là Lăng Khải Định) là một biểu tượng tiêu biểu cho triều đại nhà Nguyễn.

So với nhiều lăng tẩm khác của các vị vua triều Nguyễn khác, lăng Khải Định có diện tích khá khiêm tốn nhưng lại là công trình đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và ý tưởng thiết kế nhất. Phải mất gần 11 năm, từ năm 1920 đến 1931 thì lăng Khải Định mới hoàn thành, song đó cũng là công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Tọa lạc trên sườn núi Châu Chữ thơ mộng, lăng tẩm vua Khải Định hiện lên uy nghi, tráng lệ giữa lòng cố đô Huế. Vị trí phong thủy đắc địa được lựa chọn kỹ lưỡng, thể hiện qua các yếu tố "Tả thanh long, hữu bạch hổ", "thủy tụ minh đường", "hậu chẩm" và "mặt bằng".

Núi Chóp Vung và Kim Sơ sừng sững hai bên, tựa như "rồng xanh" và "hổ trắng" bảo vệ, che chở cho lăng mộ. Suối Châu Ê hiền hòa chảy qua, tượng trưng cho "thủy tụ" mang đến tài lộc, vượng khí. Núi Châu Chữ vững chãi tựa "hậu chẩm", nâng đỡ cho lăng tẩm. Mặt bằng rộng rãi, bằng phẳng tạo sự thông thoáng, thu hút sinh khí.

Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và phong thủy đã tạo nên một lăng tẩm uy nghi, tráng lệ, thể hiện quyền uy và đẳng cấp của vị vua cuối cùng triều Nguyễn. Lăng Khải Định không chỉ là nơi an nghỉ cho vị vua, mà còn là một di sản văn hóa độc đáo, thu hút du khách thập phương đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Về tổng thể, Lăng Khải Định được xây dựng theo khối nổi hình chữ nhật, nằm ở phía trên có 127 bậc thang. Vật liệu chính để xây dựng công trình này là xi măng, sắt, thép,  sứ, thủy tinh được đặt hàng từ Nhật Bản, Trung Quốc và thậm chí  một số sản phẩm gạch ốp lát được đặt hàng từ Pháp. Lăng Ứng Lăng mang đậm dấu ấn kiến trúc Đông Dương, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống Việt Nam và phong cách phương Tây. Lăng gồm nhiều hạng mục như: Bái điện, Hiển điện, Phụng điện, Tĩnh Xá... Mỗi hạng mục đều được trang trí cầu kỳ, tinh xảo với nhiều loại vật liệu quý hiếm như đá xanh, đá cẩm thạch, ngói lưu ly, đồ sứ...Chính những yếu tố này đã tạo nên sự mới lạ, độc đáo cho Lăng Khải Định cũng như lối sống xa hoa của vua Khải Định thời xa xưa.

Năm 1993, Lăng Khải Định cùng với nhiều quần thể di tích khác ở cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Dung hợp trong mình nghệ thuật của phương Đông và phương Tây, lăng Khải Định mang dáng dấp của một công trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ lại rất vĩ mô mà rất ít lăng tẩm thời Nguyễn có được.

 

5. Làng Hương Thuỷ Xuân

Huế từ lâu đã nổi tiếng với những di sản văn hóa, lịch sử và các làng nghề truyền thống độc đáo, góp phần tạo nên hồn cốt riêng biệt cho mảnh đất cố đô. Trong số đó, làng hương Thủy Xuân luôn là điểm đến thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, bình dị cùng hương thơm nồng nàn của những bó hương đa sắc màu.

Làng hương Thủy Xuân, hay còn được gọi đầy đủ là làng hương Thủy Xuân Huế, tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng. Cái tên "Thủy Xuân" như một lời ví von về vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của mảnh đất này. Nơi đây lưu giữ những giá trị truyền thống lâu đời của người Việt Nam, thể hiện qua nghề làm hương đã tồn tại hơn 700 năm.

Nằm trên con đường Huyền Trân Công Chúa, gần đồi Vọng Cảnh Huế và lăng Tự Đức, làng hương Thủy Xuân cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km về phía Tây Nam. Theo những nghệ nhân tại làng hương Thủy Xuân Huế kể lại lúc bấy giờ, làng là nơi cung cấp hương trầm cho triều đình, các quan và người dân trong khu vực Thuận Hóa, Phú Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng hương Thủy Xuân vẫn giữ gìn được truyền thống quý báu này, trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Mỗi bó hương đều được làm thủ công tỉ mỉ từ những nguyên liệu tự nhiên quý hiếm như gỗ trầm hương, quế, hồi,... mang đến cho người dùng những trải nghiệm tuyệt vời.

Làng hương Thủy Xuân nổi tiếng với những nén hương thơm thanh tao, tao nhã, lưu giữ hương thơm lâu, và đặc biệt không sử dụng hóa chất. Để tạo nên những nén hương mang đậm dấu ấn của cố đô Huế, các nghệ nhân ở đây đã áp dụng quy trình sản xuất hết sức tỉ mỉ và công phu, trải qua nhiều bước. Đầu tiên, nguyên liệu trầm được chọn lựa kỹ càng và kết hợp với hương quế, hoa hồi, đinh hương, thảo quả, và nụ tùng theo tỷ lệ cẩn thận. Bên cạnh đó, bột vỏ bưởi rừng, hoa bưởi khô, bạch đàn và quế cũng được thêm vào để tạo nên hương thơm hoàn hảo cho sản phẩm. Thành phẩm hương được tạo ra có mùi nhẹ nhàng, thanh tao, gây vương vấn cho người sử dụng.

Trong tâm thức người Việt, hương được thắp rất kỵ bị tắt nửa vời hay đột ngột bùng lên. Do đó, nguyên liệu làm ruột hương được người dân sử dụng là ruột tre già lấy từ rừng Bình Điền, Phong Sơn hay Nam Đông. Ruột để khô, chẻ nhỏ, phơi nắng đến khi khô và giòn lại. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có một tay nghề vững vàng để làm ra loại chân hương đều tăm tắp, hương đốt cháy đều, không hề bị tắt.

Làng hương Thủy Xuân không chỉ nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống lâu đời mà còn là điểm đến thu hút du khách bởi khung cảnh rực rỡ sắc màu và bầu không khí thanh bình, yên ả. Dưới ánh nắng nhẹ nhàng, những bó hương được xếp chồng lên nhau, tỏa ra hương thơm nồng nàn, tạo nên một bức tranh sống động và đầy sức hút.

Dạo quanh làng nghề làm hương ở Huế, du khách dễ dàng cảm nhận được sự bình yên, cổ kính của nơi đây. Ngoài hương nhang là sản phẩm chủ yếu, nơi đây còn có nhiều quầy lưu niệm bày bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như quạt gỗ, đồ thổ cẩm, tranh sơn dầu,… bạn có thể mua để làm quà tặng người thân hoặc bạn bè sau chuyến du lịch làng hương Huế.

Trải qua sự lắng đọng của thời gian, làng hương Huế vẫn giữ được nét đẹp trầm mặc và cổ kính của một làng nghề truyền thống, những cây nhang trầm nhiều màu sắc vẫn tiếp tục tỏa hương thơm ngát qua từng thế hệ, mang đậm nét đẹp văn hóa của cố đô Huế.