CỐ ĐÔ HOA LƯ -DẤU ẤN VÀNG SON CỦA MỘT THỜI DÂN TỘC OAI HÙNG

CỐ ĐÔ HOA LƯ -DẤU ẤN VÀNG SON CỦA MỘT THỜI DÂN TỘC OAI HÙNG

Cố đô Hoa Lư, một trong bốn vũng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, là điểm đến mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cố đô vẫn giữ được vẻ yên bình và trầm mặc, nhưng không kém phần uy nghi. Đây là dấu ấn vàng son, ghi dấu một thời kỳ oai hùng của dân tộc.

1. Vị trí

Địa chỉ: xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Cố đô Hoa Lư nằm tiếp giáp giữa huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư, thuộc địa phận xã Trường Yên. Nơi đây rất gần với các danh lam thắng cảnh nức tiếng Ninh Bình như Tuyệt Tình Cốc, Chùa Bái Đính, Tràng An,... Trong dòng chảy lịch sử, Cố đô Hoa Lư từng in dấu các triều đại Đinh, Tiền Lê đến đầu nhà Lý.

2. Dấu ấn vàng son

Cố đô Hoa Lư là một quần thể kiến trúc, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Đồng thời, UNESCO cũng đã công nhận cố đô Hoa Lư là 1 trong 4 vùng lõi thuộc quần thể di sản thiên nhiên – văn hóa thế giới Tràng An. Hoa Lư là kinh đô của nước ta ngay sau khi kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc trường kỳ. Theo sử sách ghi chép lại, Hoa Lư là nơi đặt kinh đô của hai triều đại nhà Đinh (968 – 980) và Tiền Lê (980 – 1009). Còn nhà Lý chỉ tạm đóng đô tại Hoa Lư 1 năm (1009 – 1010) trước khi dời đến Đại La (Hà Nội). Được bao bọc bởi địa thế núi non hùng vĩ và sông suối đan xen, Hoa Lư trở thành một bức tường thành tự nhiên kiên cố, bảo vệ kinh đô khỏi các cuộc xâm lược.

Trải qua 1.100 năm lịch sử đầy biến động. Cố đô Hoa Lư chính là nhân chứng sống hung hồn nhất cho trang sử dân tộc Việt Nam. Những di tích, đền thờ, lăng mộ, chùa chiền chính là vết tích lịch sử còn sót lại. Ngoài tìm hiểu những sự kiện lịch sử và các vị anh hùng thời đại xưa, thăm quan Cố đô Hoa Lư Ninh Bình còn là dịp để bạn tận hưởng vẻ đẹp và bầu không khí cổ kính tại vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Với diện tích ấn tượng hơn 300ha, Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích phong phú, bao gồm các công trình kiến trúc như tường thành, hang động, đền chùa, lăng mộ và nhiều công trình khác có giá trị lịch sử và văn hóa cao. Quần thể này được chia thành ba vùng: vùng bảo vệ đặc biệt, vùng đệm và các di tích liên quan.

Các công trình kiến trúc nổi bật

Khi đến thăm cố đô Hoa Lư, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hai di tích đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, những công trình biểu tượng với kiến trúc truyền thống Việt Nam. Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, các công trình di tích quan trọng tại đây vẫn được bảo tồn và duy trì đến ngày nay.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là nơi thờ phụng đức vua cùng ba vị hoàng tử. Công trình này đặc biệt với kiến trúc độc đáo và các mảng chạm khắc trên đá và gỗ, mang đến các đề tài đa dạng như rồng, tứ quý, tứ linh, bát bửu và cảnh đẹp của kinh thành Hoa Lư. Những chi tiết này được thể hiện với đường nét mềm mại, uyển chuyển và tinh xảo, phản ánh kỹ thuật chạm khắc đỉnh cao trong nghệ thuật của cha ông.

Đền thờ vua Đinh được xây dựng theo kết cấu “Nội công, ngoại quốc”, điểm nổi bật nhất là Long sàng ở vị trí Sân rồng, được điêu khắc từ đá xanh nguyên khối với các nét chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra, đền thờ vua Đinh còn được trang trí bởi nhiều hình rồng, mây, tiên nữ, hoa lá trên các cột gỗ và đá, tạo nên một bức tranh sống động thể hiện sự tài hoa và khéo léo của nghệ nhân thế kỷ 17.

Đền thờ vua Lê Đại Hành nằm cách đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng khoảng hơn 100m. Ngôi đền này là nơi linh thiêng được trang trí bởi các đề tài mang nguồn gốc từ nghệ thuật truyền thống như tứ linh, hổ phù, cá hóa long… Ngoài ra, đền còn có các họa tiết như hoa sen, hổ, khóm trúc, những biểu tượng liên quan đến câu chuyện huyền sử về đời sống của đức vua.

Đặc biệt, đền thờ vua Lê thu hút du khách bởi nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian trên các mảng Chồng rường, với hoa sen, hoa cúc, rồng cách điệu… Đây là phong cách chạm khắc tiêu biểu trong thời kỳ Hậu Lê, thể hiện sự điêu luyện của nghệ nhân Việt trong nghệ thuật chạm khắc gỗ.

Kinh nghiệm du lịch Cố Đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư không có giới hạn thời gian tham quan, cho phép du khách đến bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm không khí sôi động của mùa lễ hội, bạn nên ghé thăm từ tháng 3 đến tháng 5 (Âm lịch). Ngày 8 - 10/3 Âm lịch là thời điểm diễn ra lễ hội truyền thống hàng năm tại Cố đô Hoa Lư, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Đây cũng là khoảng thời gian thời tiết mát mẻ và dễ chịu, thích hợp cho các hoạt động ngoài trời.

Giá vé thăm quan cố đô Hoa Lư Ninh Bình:

  • Giá vé thăm quan người lớn: 20.000đ/người
  • Giá vé thăm quan trẻ em từ 6-15 tuổi: 10.000đ/người
  • Giá vé thăm quan người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), người tàn tật: 10.000đ/người.